TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc Fed tăng lãi suất hiện nay và tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện, đồng thời đưa ra 3 khuyến nghị quan trọng.
Ngày 15/06/2022 (giờ Mỹ), sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên mức 1,5%-1,75% . Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Fed hiện nay. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022 (cao hơn 1,5 điểm % so với dự báo hồi tháng 3/2022) và tăng lên mức 3,8% vào năm 2023 (cao hơn 1 điểm % so với dự báo hồi tháng 3/2022).
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã có báo cáo nhanh đánh giá về động thái của Fed và các tác động chính đối với kinh tế tài chính toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.
Bối cảnh kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm, song từ tháng 3/2022 bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại: (i) GDP quý I giảm 1,4% so với quý trước (trái ngược so với mức tăng 6,9% của quý IV/2021); (ii) doanh số bán lẻ tháng 5/2022 giảm 0,3% so với tháng trước, trái ngược với mức tăng 0,7% của tháng 4/2022. Tuy vậy, một số chỉ số vẫn duy trì xu hướng tích cực như: (i) tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 3,6% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, hiện là mức toàn dụng lao động; (ii) chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tháng 5/2022 đạt 57 điểm, thấp hơn mức 59,2 điểm của tháng 4/2022 cho thấy lĩnh vực sản xuất dù vẫn tăng trưởng song đà tăng có xu hướng chậm lại khi giá cả đầu vào và lãi suất đang tăng lên. Kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực lạm phát do giá cả hàng hóa (năng lượng, kim loại, lương thực…) tiếp tục gia tăng và giữ ở mức cao; trong bối cảnh lạm phát tháng 5/2022 của Mỹ đang ở mức rất cao (8,6% so với cùng kỳ năm trước), là mức cao nhất kể từ năm 1981. Fed đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2022 từ mức dự kiến 4% đầu năm 2022 xuống còn dự báo tăng 2,8% hồi tháng 3 và 1,7% hiện nay. Dự báo lạm phát cũng tăng lên 5,2% trong năm nay, tuy nhiên, Fed kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống còn 2,6% vào năm 2023.
Hai lý do chính khiến Fed quyết định tăng lãi suất
Động thái tăng lãi suất của Fed lần này được lý giải do: (i) kiềm chế lạm phát, hiện đã ở mức 8,6% tháng 5/2022 (vượt xa mục tiêu 2%), chưa có dấu hiệu chững lại và và là mức cao nhất trong vòng 40 năm. Lạm phát tại Mỹ tăng cao từ đầu năm 2021 do cả yếu tố cầu kéo (kinh tế phục hồi nhanh sau đỉnh dịch năm 2020), và chi phí đẩy khi giá cả các yếu tố đầu vào (giá xăng dầu, kim loại, lương thực…) liên tục tăng từ nửa cuối năm 2021, đặc biệt từ khi căng thẳng Nga- Ukraina bùng phát từ cuối tháng 2/2022 và Mỹ, phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga; khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng; hệ quả là giá năng lượng và hàng hóa thế giới tăng cao (tính đến hết ngày 15/06/2022, giá dầu Brent đã tăng khoảng 54,1%. Kiểm soát lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu và Fed cam kết mạnh mẽ trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%; (ii) Fed tiếp tục thực hiện chấm dứt chương trình mua tài sản (một dạng nới lỏng định lượng - QE), tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản như lộ trình.
Bốn tác động chính đối với kinh tế - tài chính toàn cầu
Một là, về ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm % và còn tăng dù đúng như dự kiến của nhiều chuyên gia, nhưng có thể vẫn tác động tiêu cực đối với đà phục hồi kinh tế (do tiêu dùng, đầu tư giảm), có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái (dù hiện tại Fed vẫn nhận định kinh tế Mỹ vẫn ở tình trạng tốt). Một số chuyên gia cho rằng biến động lãi suất TPCP Mỹ gần đây, khi lợi suất kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm có xu hướng hội tụ (lãi suất dài hạn bằng ngắn và trung hạn), báo hiệu khả năng kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện Fed vẫn thực hiện truyền thông rõ ràng với thông điệp ôn hòa rằng mức tăng 75 điểm % là mức tăng bất thường, mang tính thời điểm và cho rằng động thái tương tự như vậy có thể sẽ không được thực hiện thêm nhiều lần, chứng tỏ Fed lo về nguy cơ "đình lạm" (stagflation) của nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định hiện tượng đình lạm chỉ xảy ra cục bộ ở một số quốc gia chủ yếu là do nền tảng vĩ mô tốt hơn, chính phủ các nước linh hoạt hơn (và hạn chế tối đa "hạ cánh cứng") và lạm phát cao năm 2021-2022 được kỳ vọng giảm nhiệt từ năm 2023. GDP toàn cầu năm 2022 dự báo tăng khoảng 2,9% năm 2022-2023 (theo WB, tháng 6/2022) và lạm phát (CPI) tăng khoảng 6% năm 2022, trước khi xuống mức khoảng 4% năm 2023.
Hai là, dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022 và tăng lên mức 3,8% vào năm 2023, sẽ khiến chi phí vốn và trả nợ của hộ gia đình, doanh nghiệp tăng cao, và kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại song ổn định hơn khi lạm phát dần được kiểm soát và thất nghiệp về mức 3,5% như trước dịch Covid-19. Bên cạnh đó việc căng thẳng Nga- Ukraina vẫn hiện hữu; chính sách Zero Covid của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm xuống khiến cho Fed tiếp tục phải thu hẹp chính sách tiền tệ của mình.
Ba là, Fed tăng mạnh lãi suất khiến tỷ giá đồng USD so với đa số các đồng nội tệ đều tăng (tức là USD tăng giá, nội tệ mất giá) tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng khó khăn cho nhập khẩu; đồng thời tạo áp lực lạm phát "nhập khẩu" của các nước nhập siêu gia tăng.
Bốn là, lãi suất tăng mạnh khiến thị trường tài chính biến động mạnh, trong đó có hiện tượng dịch chuyển vốn đầu tư gián tiếp. Theo đó, một số nhà đầu tư tìm trú kênh an toàn hơn, chuyển một phần danh mục đầu tư của mình quay về Mỹ và khu vực khác nơi mà lãi suất tăng và rủi ro chấp nhận được.
Đối với Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất hiện nay và tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam (dù ở mức độ ít hơn so với các nước mới nổi và phát triển khác) trên ít nhất là 4 phương diện.
Thứ nhất, hoạt động thương mại của Việt Nam có thể tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm tốc. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ định hình rõ nét hơn xu hướng tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí vay nợ của doanh nghiệp và người dân tăng lên (khiến doanh nghiệp, người dân e ngại, cân nhắc hơn khi ra quyết định đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay), nhu cầu hàng hóa – dịch vụ toàn cầu giảm; từ đó có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP điều chỉnh ở mức khoảng 185% trong năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của VN sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN).
Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tính đến ngày 15/6/2022, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 1,65% khi chỉ số DXY tăng tăng 9,9% so với cuối năm 2021. Chênh lệch lãi suất VND-USD đang về mức thấp trong vòng nhiều tháng (thậm chí chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn 1 tuần đang ở mức -0,3% đến 0%) sẽ tiếp tục tạo áp lực tăng tỷ giá USD/VND trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do: (i) NHNN thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết; (ii) dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục (khoảng 110 tỷ USD); (iii) nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự kiến vẫn thặng dư (dự báo khoảng 4-8 tỷ USD); và (iv) theo đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 2-2,3%.
Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục chịu nhiều áp lực tăng giá. Lãi suất huy động dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong bối cảnh: (i) thanh khoản của hệ thống các TCTD bị thu hẹp; (ii) sức ép lạm phát tăng lên khi chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng bình quân 2,25% so với cuối năm 2022; (iii) nhu cầu tín dụng tăng cao (đến hết ngày 9/6, tăng khoảng 8,16%, cao hơn nhiều so với mức 4,95% của 5 tháng đầu năm 2021), kéo theo nhu cầu vốn tăng. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có thể tăng lên song có thể vẫn ổn định khi NHNN có thể can thiệp để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi như định hướng của Chính phủ và NHNN (đặc biệt là khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng được triển khai).
Với nghĩa vụ trả nợ bằng USD, động thái của FED cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, gây áp lực đối với các khoản nợ bằng USD. Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1% (3,5 tỷ USD quy đổi), còn lại là của doanh nghiệp (109,1 tỷ USD quy đổi - chiếm 96,9%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75% theo số liệu ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV từ một báo cáo liên quan khác). Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.
Thứ tư, tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo xu thế này sẽ không quá rõ ràng và không ảnh hưởng nhiều đối với thị trường Việt Nam (trong 5 tháng đầu năm 2022, NĐT ngoại đã chuyển từ trạng thái bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng là gần 1 nghìn tỷ đồng (42 triệu USD)).
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cả đầu tư gián tiếp dự kiến không chịu nhiều tác động do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư, do Việt Nam có: (i) nền tảng chính trị ổn định, (ii) tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao (6-6,5%) năm 2022-2023, (iii) kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định (lạm phát kiểm soát khoảng 4%, tỷ giá khá ổn định, cán cân thương mại có thể thặng dư, thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng nhưng trong tầm kiểm soát…), (iv) quy mô thị trường khá lớn (gần 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh)…v.v.
Ba kiến nghị đối với Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế bắt đầu có sự hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát; để giảm thiểu những tác động tiêu cực do NHTW các nước, đặc biệt là Fed, có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có 3 kiến nghị như sau:
Một là, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần: (i) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi 2022-2023; (ii) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; (iii) Theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu; (iv) Tiếp tục các biện pháp minh bạch thị trường tài chính, mang lại niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.
Hai là, cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá (nhất là các giai đoạn cao điểm) nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát và hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa"…v.v.
Ba là, theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.