Nhận định thị trường chứng khoán ngày 11/4: Tiếp tục đà giảm

Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên (10/4) 

VN-Index giảm hơn 4 điểm trong ngày hôm nay, đóng cửa tại mốc 1.258,56 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành dầu khí dẫn đầu đà giảm, theo sau là cổ phiếu nhóm hóa chất, dịch vụ tài chính, bán lẻ, ... Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX.

Thống kê giao dịch phái sinh phiên 10/4

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 11/4

Nhận định chứng khoán cơ sở

Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index đã chuyển vùng giao dịch xuống 1.250 – 1.270. Hiện tại thanh khoản còn thấp, chưa cho thấy rõ xu hướng. Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục giao dịch trong vùng này. 

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) 

Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ gần nhất 1.230 – 1.235 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực cho thấy rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào thời điểm này.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp và chưa nên mua mới trong giai đoạn này. Đồng thời, các nhà đầu tư hạn chế bán tháo khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 1.230 – 1.235 điểm trong những phiên giao dịch tới.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) 

Sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index chững lại và đảo chiều, sau đó lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số lập tức quay đầu giảm điểm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên sau khi chạm MA20 ngày, bất chấp những nỗ lực đẩy giá của lực cầu từ ngay từ đầu phiên.

Điều này hàm ý rằng phe bán vẫn thể hiện sự quyết liệt và chủ động hơn khi tiếp cận các ngưỡng kháng cự, đồng thời cho thấy bên cầm hàng sẵn sàng bán hạ tỷ trọng khi có cơ hội. Do đó, rủi ro chỉ số tiếp diễn quán tính điều chỉnh vẫn đang được bỏ ngỏ, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+-5) và xa hơn tại 1.220 (+-10).

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm với thanh khoản thấp và điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ở khung đồ thị ngày, VN-Index đã tiệm cận đường MA20 khi chịu áp lực bán trở lại.

Chỉ báo dòng tiền CMF đang hướng xuống dưới mốc 0 cùng thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục giảm cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và dòng tiền vẫn đang chủ động đứng ngoài chờ đợi khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm và chưa xác định rõ xu hướng.

Ở khung đồ thị giờ, dải bollinger band có xu hướng bó hẹp cho thấy thị trường vẫn sẽ giao dịch với biên độ hẹp trong các phiên tới. Điểm tích cực có thể thấy là 2 chỉ báo MACD và RSI đã tạo đáy đầu tiên sau khi chạm vùng hỗ trợ quanh 1.250 cùng với việc chỉ báo CMF đã hướng dần lên thể hiện khu vực này vẫn đang là hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn. 

Nhận định chứng khoán phái sinh

Thống kê giao dịch phái sinh phiên 10/4

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN30F2404 đảo chiều giảm từ 1.272 điểm và qua đó vẫn đang trong trạng thái đi ngang tích lũy. Nhịp điều chỉnh đang về lại vùng hỗ trợ gần quanh 1.258 - 1.260 điểm. Chỉ báo MACD ở khung 1H cho tín hiệu điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn duy trì trạng thái tăng ở khung này. Chỉ báo RSI đã về lại gần vùng quá bán nên nếu vùng 1.258 - 1.260 điểm giữ vững thì kịch bản HĐ này sẽ còn hồi phục lại vùng 1.272 điểm vẫn còn khả thi.

Xu hướng ngắn hạn khung daily của HĐ VN30F2404 duy trì ở mức giảm với kháng cự gần nhất quanh 1.274 - 1.280 điểm. Nhà đầu tư xem xét chiến lược mua (long) khi giá điều chỉnh về quanh 1.258 - 1.206 điểm, dừng lỗ 1.255 điểm với mục tiêu 1.272 điểm. Vị thế bán (short) xem xét khi giá không vượt được 1.274 - 1.276, dừng lỗ 1.277 điểm. 

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến tăng điểm nhẹ ở đầu phiên trước khi chững lại và đảo chiều, sau đó lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số lập tức quay đầu giảm điểm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên sau khi chớm vượt MA20 ngày, bất chấp những nỗ lực đẩy giá của phe mua (long) từ ngay từ đầu phiên.

Điều này hàm ý rằng phe bán (short) vẫn thể hiện sự quyết liệt và chủ động hơn khi tiếp cận các ngưỡng kháng cự. Do đó, rủi ro chỉ số tiếp diễn quán tính điều chỉnh vẫn đang được bỏ ngỏ, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+-5) và xa hơn tại 1.220 (+-10). Chiến lược giao dịch trong phiên là ưu tiên mở bán (short) quanh kháng cự.  

NĐT được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa. 

  • Bài viết nổi bật