Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên cuối tuần (5/4)
VN-Index giảm mạnh ngay từ lúc mở cửa xuống ngưỡng 1.255. Sau đó, dòng tiền bắt đáy giúp chỉ số tăng lên ngưỡng 1.265 nhưng cuối cùng chỉ số vẫn giảm trở lại và đóng cửa tại mốc 1.255,11 điểm, giảm hơn 1% so với hôm qua.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 17/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành hóa chất dẫn đầu đà giảm, theo sau là cổ phiếu dịch vụ tài chính. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng nhẹ trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 8/4
Nhận định chứng khoán cơ sở
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VN-Index kết phiên cuối tuần, giảm xuống dưới khu vực 1.255. Ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD tiếp tục hướng xuống cùng với việc DI- đang hướng dốc lên cho thấy thị trường trong ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục duy trì diễn biến điều chỉnh và ngưỡng hỗ trợ gần nhất sẽ quanh khu vực 1.235 – 1.240.
Tương tự với khung đồ thị ngày, ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo vẫn đang cho tín hiệu đi xuống và chưa tạo đáy củng cố thêm cho nhận định trên.
Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, xu hướng của thị trường phụ thuộc vào lực bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ 1.255.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên, VN-Index hồi phục nhẹ sau đó tiếp tục lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất phiên và tiếp tục đi kèm tín hiệu bulltrap, cho thấy thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tiêu cực và rủi ro xuất hiện thêm những phiên phân phối vẫn còn hiện hữu.
Nhiều khả năng chỉ số tiếp tục chịu quán tính giảm điểm trong những phiên tới, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+-5) và xa hơn tại 1.220 (+-10). Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tiếp tục suy yếu với nỗ lực hồi phục trong phiên không thành và đánh mất vùng MA(20). Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung vẫn đang gây sức ép lên thị trường. Tạm thời vùng 1.250 điểm có thể tạo động lực hỗ trợ cho thị trường và giúp thị trường có những đợt hồi phục.
Tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và cần đánh giá lại trạng thái thị trường. Đồng thời cần quản trị danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, nên cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang gặp khó khăn tại vùng cản để phòng ngừa rủi ro.
Nhận định chứng khoán phái sinh
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
VN30F2404 đã giảm 3 phiên liên tiếp và mức Fibo 61,8% quanh 1.248 điểm đang là mức hỗ trợ kế tiếp. Chỉ báo RSI ở khung 30 phút, 1H đã giảm về vùng quá bán và theo mẫu hình sóng Elliott, giá đang ở sóng 5 của sóng C của mẫu hình sóng Flat (A-B-C) nên vùng 1.248 - 1.250 điểm có thể sẽ là vùng kết thúc của nhịp giảm ngắn hạn vừa qua. Nhịp hồi phục sẽ kiểm tra lại vùng 1.272 điểm hoặc xa hơn 1.279 điểm.
Xu hướng ngắn hạn khung Daily của HĐ VN30F2404 chuyển xuống mức giảm. Nhà đầu tư xem xét chiến lược mua (long) nếu giá tiếp tục giảm về vùng 1 248 - 1.250 điểm, với mục tiêu 1.272 điểm và dừng lỗ 1.246 điểm. Vị thế bán (short) với quan điểm lướt ngắn xem xét tại 1.265 điểm hoặc tại ngưỡng cản xa 1.279 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên, F1 hồi phục nhẹ sau đó tiếp tục lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất phiên và tiếp tục đi kèm tín hiệu bulltrap, cho thấy thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tiêu cực và rủi ro xuất hiện thêm những phiên phân phối vẫn còn hiện hữu.
Nhiều khả năng chỉ số tiếp tục chịu quán tính giảm điểm trong những phiên tới, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+-5) và xa hơn tại 1.220 (+-10). Chiến lược giao dịch trong phiên là ưu tiên mở bán (short) quanh kháng cự.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.