Chứng khoán Việt Nam khởi đầu thuận lợi tháng đầu năm 2023 và dần khởi sắc hơn cho đến khi bước vào giai đoạn lình xình trong quý cuối năm.
Nhìn lại một năm qua, sau tháng 1 bùng nổ với tỷ lệ tăng điểm trên 10%, VN-Index trở lại lình xình quanh vùng 1.000 điểm tạo ra quý đầu năm khá ảm đạm. Thị trường bắt đầu sôi động từ tháng 4 trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch chính sách tiền tệ “thắt chặt” sang “nới lỏng, linh hoạt”.
Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp quyết liệt của cơ quan quản lý được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Những đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là chất xúc tác cho đà tăng của chứng khoán Việt Nam.
VN-Index có nhịp tăng 250 điểm từ đầu tháng 4 lên đỉnh 1.250 điểm trong tháng 9. Trong tháng 7, VN-Index tăng 9,17% đưa Việt Nam lọt top 5 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Chile.
Cuối tháng 9, thị trường điều chỉnh sâu, đồng pha với khu vực châu Á khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp lãi suất có thể tiếp tục tăng và neo cao thời gian dài. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng công cụ tín phiếu để hút bớt lượng tiền trên thị trường mở nhằm hạ nhiệt tỷ giá.
Nhịp điều chỉnh cuối tháng 9 và tháng 10 khiến VN-Index gần như mất hết thành quả có được trước đó. Không ít phiên giao dịch nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn, cổ phiếu giảm sàn hàng loạt. Cảnh tượng giống như những gì xảy ra cuối năm 2022.
Từ đầu tháng 11, TTCK Việt Nam dần phục hồi. Những thông tin về khả năng Fed đảo chiều giảm lãi suất trong năm 2024 được đưa ra trong tháng 12 giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh. Chỉ số Dow Jones tiến lên vùng đỉnh lịch sử quanh 37.000 điểm. Nhưng chứng khoán Việt Nam lại diễn biến lệch pha.
Về tổng quan, hiệu suất 12,2% của VN-Index trong năm 2023 có thể được xem như không mong đợi song vẫn đưa chứng khoán Việt Nam vượt trội hơn nhiều thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Phillipine. Nguyên nhân chỉ số không tăng mạnh do thiếu vắng đi sự dẫn dắt, trong khi bị đè nén bởi các mã vốn hóa lớn như nhóm F&B, ngân hàng, “họ Vin”, bán lẻ.
Trong một năm 2023 sóng gió, cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tạo “bữa tiệc” thịnh soạn, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần so với thời điểm đầu năm. Dễ dàng nhận thấy nhất khi so sánh tương quan hiệu suất cho thấy chỉ số VNMIDCAP có tỷ lệ tăng gấp 2,5 lần mức tăng của VN-Index.
Cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm trong năm nay nhờ hiệu ứng thị trường phục hồi, tiền rẻ, câu chuyện nâng hạng và một thông tin lặp lại trong nhiều năm đó là đưa vào vận hành hệ thống KRX. Song, hai điểm nhấn là nâng hạng và hệ thống KRX tiếp tục bị bỏ ngỏ, trong khi thị trường chứng khoán không còn phản ứng với việc lãi suất huy động ở vùng thấp lịch sử. Tiền vẫn đang đổ mạnh vào kênh tiết kiệm và một phần bị thu hút bởi thị trường vàng nổi sóng cuối năm.
Về thanh khoản, quy mô giao dịch chuyển biến tích cực từ tháng 5 sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hạ lãi suất điều hành. Nhưng cũng giống như thị trường chung, thanh khoản giảm sâu trong tháng cuối năm về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Do giá trị đầu năm 2022 liên tục lập kỷ lục và thường xuyên đạt trên 1 tỷ USD tạo mức nền cao, do đó giá trị giao dịch bình quân trong năm nay tiếp tục giảm sâu dù có thời điểm trở lại vùng đỉnh lịch sử cuối quý II và đầu quý III.
Dữ liệu từ Tổng Cục thống kê tính đến ngày 15/12, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 17.624 tỷ đồng/phiên, giảm 12,6% so với trung bình năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 6.114 tỷ đồng/phiên, giảm 20,4%.
Khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 bình quân đạt 237.702 hợp đồng/phiên, giảm 13% so với bình quân năm 2022; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 32,23 triệu chứng quyền/phiên, giảm 0,6% và giá trị giao dịch đạt 28,67 tỷ đồng/phiên, tăng 35,2%
Thanh khoản chứng khoán sụt giảm là hệ quả của việc nhà đầu tư rơi vào trạng thái thận trọng khi VN-Index không thể bứt mạnh khỏi ngưỡng 1.100 điểm. Quan trọng hơn đó khối ngoại gia tăng trạng thái bán ròng dần về cuối năm.
Tổng cộng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 23.128 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Trong đó, quy mô rút ròng trên sàn HOSE là 24.833 tỷ đồng. Riêng ba quý cuối năm có quy mô bán ròng trên HOSE gần 30.750 tỷ đồng. Một điểm tích cực đó là chứng khoán Việt Nam hút dòng vốn ngoại trở lại trong những ngày cuối năm 2023.
Trong khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, lực đỡ của thị trường đến từ khối nội, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước, còn lại là khối tự doanh công ty chứng khoán.
Về quy mô, tính đến cuối năm 2023, giá trị vốn hóa của sàn HOSE đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 540.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Top 10 đơn vị dẫn đầu về vốn hóa có sự thay đổi nhưng vẫn là những cái tên quen thuộc như Vietcombank (448.804 tỷ đồng), BIDV (247.399 tỷ đồng), Vinhomes (188.108 tỷ đồng), PV Gas (173.404 tỷ đồng) và Vingroup (170.101 tỷ đồng).
Về sức hút của kênh đầu tư chứng khoán trong 2023, lượng tài khoản tiếp tục tăng thêm bất chấp việc một công ty chứng khoán phải đóng hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 10 và 11. Tính đến cuối tháng 11, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường đạt hơn 7,25 triệu, tăng 396.515 tài khoản so với cuối năm 2022.