Lực bán tăng nhanh, VN-Index kết phiên "đỏ nhẹ": Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, sàn HOSE có 173 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,41%), xuống 1.065,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 857,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.056 tỷ đồng, tăng 32,73% về khối lượng và 39,64% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 68,25 triệu đơn vị, giá trị 1.975,78 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh với MWG tăng 5,1%, POW tăng 2,3%, TCB tăng 2,2%, HDB tăng 1,3%, BVH tăng 0,8%; cùng 5 mã là GVR, MBB, TPB, VIB, VPB đứng giá tham chiếu Trái lại, có tới 20 mã mất điểm, với sự dẫn đầu là HPG giảm 2,4%, các mã lớn khác như BID giảm 2,1%, VHM giảm 1,8%, GAS giảm 1,7%, PLX, VCB và VIC đều giảm 1%...
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng phiên 10/4: Bên cạnh áp lực bán gia tăng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng với giá trị gần gấp đôi phiên trước đó, đạt xấp xỉ 310 tỷ đồng. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 10/4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,85 triệu đơn vị, tăng gấp gần 12 lần so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 7/4 chỉ bán ròng 0,85 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng trong phiên đạt 309,27 tỷ đồng, tăng 89,1% so với phiên trước đó (bán ròng 163,55 tỷ đồng).
Nhựa Rạng Đông đưa lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo: Công ty CP Rạng Đông Holding (HOSE: RDP) vừa công bố biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Trước đó, ngày 05/04/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) ban hành quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu RDP. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm gần 71 tỷ đồng, căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 của RDP Để khắc phục tình trạng trên, RDP đưa ra lộ trình gồm 4 bước: Khai thác và mở rộng thị trường để tăng doanh thu với các mảng bao bì, xuất khẩu và y tế; Nâng năng suất, giảm giá thành; Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để đồng hành; Đưa nhà máy Rạng Đông Healthcare chuyên sản xuất vật tư tiêu hao ngành y tế vào vận hành, công suất giai đoạn 1 là 600 tỷ đồng/năm.
Một cá nhân rời ghế cổ đông lớn Haxaco: Bà Vũ Ngọc Diệp Linh đã bán 7,46 triệu cổ phiếu của Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX), qua đó không còn là cổ đông lớn của Công ty từ ngày 05/04/2023. Sau giao dịch, bà Linh giảm tỷ lệ sở hữu tại HAX từ 15,03% (hơn 10,8 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,66% (gần 3,4 triệu cổ phiếu). Phiên 05/04, thị trường ghi nhận 6,5 triệu cổ phiếu HAX được giao dịch bằng phương thức thỏa thuận. Với mức giá thỏa thuận 16.750 đồng/cp, giá trị tương ứng gần 109 tỷ đồng. Khả năng cao, bà Linh đã bán phần lớn số cổ phiếu trên qua phương thức thỏa thuận. Còn nếu tính theo giá cổ phiếu HAX lúc đóng cửa phiên 05/04 là 17.800 đồng/cp, ước tính bà Linh đã thu về gần 133 tỷ đồng từ thương vụ trên.
NovaGroup bị bán giải chấp hơn 2 triệu cổ phiếu Novaland: Công ty CP NovaGroup báo cáo đã bị công ty chứng khoán bán 1,71 triệu cổ phiếu NVL của Công tyCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland từ ngày 3/4 - 7/4, qua đó hạ sở hữu tại NVL xuống còn 570,7 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 29,3% vốn điều lệ Trước đó, từ ngày 27/3 - 29/3, NovaGroup cũng đã bị “call margin” 480.000 cổ phiếu NVL. Như vậy, từ cuối tháng 3 đến nay đơn vị này đã bị bán giải chấp tổng cộng 2,19 triệu cổ phiếu Novaland Đáng chú ý, vào ngày 27/3, NovaGroup chủ động đăng ký bán ra 38 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 30/3 – 28/4, với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Giao dịch dự kiến được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận và khớp lệnh.
Kinh Bắc lùi thời gian mua 50 triệu cổ phiếu giảm vốn điều lệ: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh và thông qua phương án triển khai mua 50 triệu cổ phiếu giảm vốn điều lệ Theo Nghị quyết HĐQT ngày 04/01/2023, KBC sẽ mua trước 50 triệu cp (trong tổng số 100 triệu cổ phiếu) nhằm giảm vốn điều lệ. Giá chào mua theo thị giá tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cp. Nguồn vốn mua lại từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tại ngày 31/12/2022 (gần 2.743 tỷ đồng), căn cứ BCTC riêng đã kiểm toán năm 2022. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 1-2/2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận, thời gian giao dịch tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch Tuy nhiên, ở phương án mới, KBC quyết định lùi thời gian thực hiện sang quý 2-3/2023. Các chi tiết khác vẫn được giữ nguyên.
Công viên nước Đầm Sen sắp trả nốt cổ tức tiền mặt năm 2022: Mới đây, Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (HOSE: DSN) đã ra thông báo chốt quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/04/2023. Với tỷ lệ thực hiện 25% - tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.500 đồng, cùng hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Công viên nước Đầm Sen cần chi hơn 30 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến vào 19/05/2023. Trước đó, DSN đã chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt cho cổ đông. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức 2022 của DSN là 40%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 4.000 đồng.