Thị trường chứng khoán ngày 18/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Lại cảnh "sáng nắng, chiều mưa", VN-Index mất hơn 5 điểm; Cổ phiếu HBC vào diện hạn chế giao dịch; BWE muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại NQB lên 41%;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 18/5/2023.

Lại cảnh "sáng nắng, chiều mưa", VN-Index mất hơn 5 điểm: Phiên giao dịch ngày 17/5, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.060,44, giảm 5,47 điểm (-0,51%). Thanh khoản được cải thiện so với phiên trước đó khi có đến hơn 830 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 13 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ chiếm ưu thế vượt trội trong ngày hôm nay với 246 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm chỉ là 141, còn lại là 49 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

VN-Index có thể giảm về quanh khu vực quanh 1.055 – 1.060 điểm

Nhóm VN30 hôm nay thậm chí còn có phần tiêu cực hơn khi giảm tới 7,54 điểm (-0,70%). Toàn nhóm hôm nay có đến 23/30 giảm điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là NVL (-2,56%) và TPB (-2,52%) là hai cổ phiếu có mức giảm lớn nhất toàn nhóm. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như VPB (-2,04%), SSI (-1,97%) hay MBB (-1,86%). Ở chiều hướng ngược lại, VHM (+2,30%) là cổ phiếu duy nhất đáng chú ý trong phiên hôm nay, các cổ phiếu còn lại không quá đáng kể.

Khối ngoại trở lại mua ròng gần trăm tỷ đồng phiên 17/5: Mặc dù tiếp tục tập trung bán các cổ phiếu ngân hàng nhưng việc gom mạnh cổ phiếu HPG đã giúp khối ngoại trở lại trạng thái mua ròng, với giá trị gần 100 tỷ đồng. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 17/5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,83 triệu đơn vị, tăng gấp hơn 6,3 lần so với phiên giao dịch hôm qua ngày 16/5. Tổng giá trị mua ròng tương ứng trong phiên đạt 94,54 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 22,26 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với khối lượng 9,82 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 215,43 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu VNM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị mua ròng đạt 84,89 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 1,23 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HBC vào diện hạn chế giao dịch: Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu HBC của Công CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. Theo đó, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và thỏa thuận kể từ ngày 23/5/2023. Nguyên nhân do Xây dựng Hòa Bình chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Trước đó, ngày 20/4, Xây dựng Hòa Bình đã nhận được quyết định về việc đưa cổ phiếu của Công ty vào diện cảnh báo do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Ngày 10/5, Công ty tiếp tục nhận quyết định về việc chuyển cổ phiếu của Công ty từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 20222 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Vietnam Airlines đưa ra phương án khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Công ty CP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa có báo cáo giải trình và biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. Theo đó, Vietnam Airlines cho biết đã báo cáo giải trình về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022. Cụ thể, Vietnam Airlines đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo giải trình từ Vietnam Airlines, thì bản giải trình lần này không khác nhiều so với giải trình của công ty khi cổ phiếu HVN vào diện cảnh báo, chỉ thêm yếu tố liên quan đến kiểm toán. Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của hãng. Vietnam Airlines cũng khẳng định đang phối hợp với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành, công bố báo cáo tài chính.

BWE muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại NQB lên 41%: Cổ đông lớn thứ hai của Công ty CP Cấp nước Quảng Bình (UPCoM: NQB) là Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) mới đây đã đăng ký mua thỏa thuận gần 2,8 triệu cổ phiếu NQB trong thời gian từ ngày 18/05-16/06/2023. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của BWE tại NQB sẽ được nâng từ 25% lên 41%, tương ứng hơn 7 triệu cổ phiếu. Xét theo giá kết phiên 17/05 của cổ phiếu NQB là 13.500 đồng/cp, ước tính tổng giá trị thương vụ có thể đạt hơn 37 tỷ đồng. Hiện, Phó Tổng Giám đốc BWE - ông Mai Song Hào và Giám đốc Tài chính - ông Trần Tấn Đức đang đồng thời là Thành viên HĐQT tại NQB. Được biết, BWE chỉ vừa trở thành cổ đông lớn của NQB vào tháng 3/2023 vừa qua khi mua vào hơn 4,3 triệu cổ phiếu trong phiên 21/03. Tổng giá trị thương vụ ghi nhận gần 58 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk chốt danh sách trả cổ tức đợt 2/2022: Ngày 26/5 tới đây. Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, UPCOM: MCM) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 25/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 29/6/2023. Như vậy, với 110 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Mộc Châu Milk sẽ phải chi tương ứng 110 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Tính đến thời điểm 31/3/2023, theo báo cáo tài chính quý I/2023, cơ cấu cổ đông của Mộc Châu Milk gồm Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Công ty CP (Vilico, mã VLC – UPCoM) là công ty mẹ khi sở hữu xấp xỉ 652,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 59,3%; Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM – sàn HOSE) nắm giữ 9,74 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,85%; còn lại là cổ đông khác sở hữu 31,85%.

  • Bài viết nổi bật