Thị trường chứng khoán ngày 23/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Đầu tuần thuận lợi, VN-Index chinh phục mốc 1.070; Thibidi được chấp thuận hủy tư cách công ty đại chúng; Hai cổ đông lớn thoái bớt vốn tại Vinam... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 23/5/2023.

Chỉ số VN-INdex ngày 23 tháng 05

Đầu tuần thuận lợi, VN-Index chinh phục mốc 1.070: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5, sàn HOSE có 263 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 3,57 điểm (+0,33%) lên 1.070,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 711,1 triệu đơn vị, giá trị 12.532,36 tỷ đồng, giảm 5,88% về khối lượng và 6,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 19/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.524,4 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có phần tích cực hơn với số mã tăng gấp rưỡi số mã giảm và chỉ số này cũng ghi nhận mức cao nhất trong ngày khi tăng 4,9 điểm. Trong đó, top 5 cổ phiếu dẫn đầu đà tăng thì có tới 4 mã thuộc dòng bank với sự dẫn đầu vẫn là TCB tăng 2,9% và VPB tăng 2,1%; tuy nhiên “anh cả” VCB tiếp tục là lực cản chính của dòng bank nói riêng và nhóm VN30 nói chung khi để mất 1,2%.

Khối ngoại trở lại trạng thái giao dịch kém tích cực phiên 22/5: Khối ngoại có phiên kém tích cực khi khối lượng và giá trị mua vào đạt thấp nhất từ đầu năm, đồng thời trở lại trạng thái bán ròng gần 470 tỷ đồng trong phiên 22/5. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 22/5, nhà đầu tư nước ngoài đã quay ra bán ròng 19,63 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 468,82 tỷ đồng; trong khi phiên giao dịch trước đó ngày 19/5 mua ròng 8,44 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 996,11 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cặp đôi nhà Vingroup. Cụ thể, VRE được mua ròng 1,46 triệu đơn vị, giá trị 40,82 tỷ đồng và VHM được mua ròng 0,57 triệu đơn vị, giá trị 30,67 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu VNM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 79,16 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 1,16 triệu đơn vị.

Thibidi được chấp thuận hủy tư cách công ty đại chúng: Ngày 17/05/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo hủy tư cách đại chúng đối với HĐQT Công ty CP Thiết bị Điện (Thibidi, HOSE: THI). Cụ thể, UBCKNN đã có công văn gửi Thibidi về việc hủy tư cách công ty đại chúng của doanh nghiệp này kể từ ngày 17/04/2023. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của THI tổ chức ngày 17/04, cổ đông đã thông qua tờ trình về việc thông qua việc hủy đăng ký công ty đại chúng, hủy bỏ niêm yết toàn bộ cổ phiếu tại HOSE, hủy đăng ký chứng khoán tại VSD. Về lý do hủy niêm yết, THI cho biết, theo quy định, công ty đại chúng là Công ty CP thuộc một trong hai trường hợp: Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên; có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Hai cổ đông lớn thoái bớt vốn tại Vinam: Công ty CP Vinam (HNX: CVN) vừa báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu của hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Minh Cường và ông Nguyễn Minh Tuấn. Cụ thể, vào ngày 11/05/2023, ông Nguyễn Minh Cường - cựu Thành viên HĐQT (đến ngày 21/06/2022) kiêm Giám đốc (đến ngày 01/07/2022) đã bán ra 980,000 cp. Sau giao dịch, ông Cường giảm tỷ lệ sở hữu tại CVN từ 6.06% (1.8 triệu cp) xuống còn 2.76% (820,000 cp), qua đó không còn là cổ đông lớn của CVN. Đến ngày 17/05, ông Nguyễn Minh Tuấn bán gần 2.2 triệu cp, hạ sở hữu từ 3 triệu cp (10.1%) xuống 838,800 cp (2.82%), và không còn là cổ đông lớn tại CVN. Chiếu theo giá chốt các phiên tương ứng, ước tính giao dịch của ông Cường và ông Tuấn có giá trị lần lượt hơn 3 tỷ đồng và hơn 8 tỷ đồng.

FRT chốt quyền chia cổ tức 2022 tổng tỷ lệ 20%: HĐQT Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) thông báo 07/06 là ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng bằng tiền và cổ phiếu, tổng tỷ lệ 20%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 06/06. Cụ thể, FRT sẽ chia cổ tức năm 2022 cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ 5% (sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Thời gian thanh toán từ ngày 27/06/2023. Với gần 118,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FRT cần chi hơn 59 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Song song đó, Công ty dự kiến phát hành gần 17,8 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền 20:3 (tương đương 15%), cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu nhận được 3 cổ phiếu mới.

SZC tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu: Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 20% nhằm tăng quy mô vốn điều lệ Công ty. Theo đó, với số lượng cổ phiếu đang lưu hành 100 triệu cp, tỷ lệ thực hiện 5:1 (cứ 5 cổ phiếu thì nhận được thêm 1 cổ phiếu), SZC dự kiến phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị tăng thêm 200 tỷ đồng để trả cổ tức. Mục đích phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 nhằm tăng quy mô vốn điều lệ phục vụ cho các hoạt động của Công ty. Như vậy, sau khi phát hành, vốn điều lệ của SZC sẽ tăng lên 1.200 tỷ đồng.

  • Bài viết nổi bật