Thị trường chứng khoán ngày 24/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu ngân hàng khiến VN-Index nối đà giảm điểm: Hai chỉ số thị trường đã nối tiếp đà giảm trong tuần 17-21/04/2023. VN-Index giảm 0,95% so với cuối tuần trước, về mức 1.042,91 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,16%, kết thúc tuần ở mức 206,92 điểm. Cùng với đà giảm điểm, thanh khoản trên cả hai sàn đều suy yếu đáng kể so với tuần trước. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm 32,98%, còn hơn 448 triệu cp/phiên. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX giảm mạnh hơn 36,84%, chỉ còn gần 70 triệu cp/phiên.

Nguyên nhân giảm điểm chính của VN-Index trong tuần qua chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tuần, nhóm cổ phiếu này có đến 7 cổ phiếu góp mặt, bao gồm VPB, VCB, CTG, ACB, SHB, LPB và HDB. Tổng cộng, 7 cổ phiếu vừa kể đã làm giảm của chỉ số hơn 5,4 điểm. Trong đó, VPB là cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất với hơn 1,7 điểm.

Khối ngoại xả ròng tuần thứ tư liên tiếp: Tuần qua, giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi ghi nhận bán ròng 301 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại cho thấy trạng thái giằng co khi mua ròng nhẹ 55 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh luỹ kế 5 phiên, tuy nhiên bán ròng đột biến 356 tỷ đồng thoả thuận. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp khối ngoại bán ròng khớp lệnh trên thị trường.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, hai cổ phiếu ngân hàng là MSB và STB bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này, tuy nhiên bán ròng MSB trên kênh thoả thuận trong khi tập trung bán ròng khớp lệnh STB. Bên cạnh đó, VNM cũng bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu thép HPG với giá trị đột biến hơn 250 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng loạt cổ phiếu VPB, VHM, PNJ, FRT,...

Cổ phiếu PVL sẽ về sàn UPCoM từ ngày 25/04: Sau khi hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Nhà Đất Việt (PVL), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo cổ phiếu PVL sẽ giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 25/04. Cổ phiếu PVL bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 14/04/2023 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC 2022. Theo đó, 50 triệu cp PVL đang lưu hành sẽ giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 25/04/2023. Về kết quả kinh doanh 2022, PVL lãi ròng vỏn vẹn hơn 58 triệu đồng, giảm gần 100% so với năm 2021.

Cổ đông lớn của Telcom bị phạt vì mua chui cổ phiếu: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 272/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lại Trung Dũng. Theo đó, UBCKNN phạt ông Dũng số tiền 100 trăm triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật chứng khoán. Cụ thể, ngày 7/7/2021, ông Lại Trung Dũng – cổ đông lớn của Công ty cổ phần Phát triển công trình Viễn thông (mã chứng khoán: TEL) đã mua 83.400 cổ phiếu TEL dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 1.314.350 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 26,287% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của TEL nhưng không đăng ký chào mua công khai.

Phó Tổng Gián đốc KHG muốn bán 1,6 triệu cổ phiếu công ty : Từ ngày 21/04-20/05, ông Phùng Quang Hải - Phó Tổng Giám đốc kiếm Thành viên HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Khải Hoàn Land (HOSE: KHG) muốn bán 1,6 triệu cổ phiếu KHG đang nắm giữ. Nếu bán hết như mong muốn, ông Hải sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu KHG nào. Giá cổ phiếu KHG hiện đang ở mức 4.880 đồng/cp. Với mức giá này, ông Hải có thể thu hơn 7,8 tỷ đồng từ thương vụ. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu KHG trong xu hướng giảm từ năm 2022 tới nay. So với đầu năm 2022, giá cổ phiếu này đã giảm hơn 70%.

DIG dừng triển khai phát hành 100 triệu cổ phiếu: Ngày 21/04, HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) đã thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường 2022 (diễn ra vào tháng 10/2022) đã thông qua phương án chào bán công khai 100 triệu cp với giá 15.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền tương đương 16,4%. Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán. Số vốn dự kiến thu được 1.500 tỷ đồng được dự kiến sẽ được dùng để đầu tư vào Khu đô thị du lịch Long Tân. Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2023-2024.

Safoco (SAF) chia cổ tức tỷ lệ 34%: Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco (HNX: SAF) thông báo ngày 24/4 tới đấy sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 34%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.400 đồng. Như vậy, với gần 12,05 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SAF cần chi khoảng 40,97 tỷ đồng để trả cổ tức cho đợt cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 21/4 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 18/5/2023. Hiện, Tổng CTCP Lương thực miền Nam (VSF) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) là 2 cổ đông lớn nhất của SAF với tỷ lệ sở hữu lần lượt đạt 51,3% và 16,64% vốn điều lệ. Theo đó, 2 doanh nghiệp này sẽ thu về 21 tỷ và 6,8 tỷ đồng.

  • Bài viết nổi bật