Cải thiện dòng tiền, VN-Index nhích dần lên mốc 1.060; Thibidi muốn hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu THI- PVMachino thoái vốn khỏi Nippon Seiki với giá hơn 149 tỷ đồng;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 29/2/2023.
Cải thiện dòng tiền, VN-Index nhích dần lên mốc 1.060: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/3, sàn HOSE có 201 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 2,04 điểm (+0,19%), lên 1.054,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 648,1 triệu đơn vị, giá trị 11.207 tỷ đồng, tăng hơn 16% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 65 triệu đơn vị, giá trị 1.492,4 tỷ đồng. Nhóm VN30 phân hóa mạnh, với 12 mã tăng, 13 mã giảm, cùng SAB, POW, BVH, BID và ACB đứng tham chiếu. Trong các mã tăng, TCB phiên này vượt trội với mức tăng 4% lên 27.550 đồng, khớp 7,66 triệu đơn vị và cũng là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index, dù chỉ là 1 điểm tích cực.
Ở chiều ngược lại, VPB thu hẹp đà giảm, chỉ còn -1,2% xuống 21.000 đồng, thanh khoản vẫn cao nhất thị trường với hơn 37,1 triệu đơn vị khớp lệnh, PDR cũng chỉ mất 1,2% xuống 12.450 đồng, SSI -1% xuống 20.800 đồng, các cổ phiếu VNM, HDB, HPG, GVR, VHM và NVL giảm nhẹ, với NVL khớp lệnh chỉ đứng sau VPB trên sàn với 30,7 triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với những cái tên TGG, HHP và IBC đáng chú ý nhất, khi cả ba cùng leo lên mức giá trần, khớp từ 0,58 triệu đến hơn 1,49 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trăm tỷ đồng phiên 28/3: Trong khi thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa và lình xình tăng, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 135 tỷ đồng với tâm điểm giải ngân là các cổ phiếu bất động sản. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 28/3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,69 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 135,69 tỷ đồng, giảm 19,92% về lượng và 22,16% về giá trị so với phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/3 (mua ròng 174,31 tỷ đồng).
Tự doanh bán ròng khá khiêm tốn phiên VN-Index tăng nhẹ: Phiên hôm nay, bộ phần tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hơn 21 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó chủ yếu là bán ròng thỏa thuận trong khi mua ròng khớp lệnh. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối tự doanh bán ròng 26 tỷ đồng, trong đó tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 132 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận nhưng bán ròng 158 tỷ trên kênh khớp lệnh. Giao dịch của các công ty chứng khoán tiếp tục tập trung mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu ngân hàng VPB với giá trị 60 tỷ đồng, ngoài ra tự doanh công ty chứng khoán còn mua ròng nhiều tại MSN và VNM với giá trị lần lượt 16 tỷ và 11 tỷ đồng.
Đầu tư Thương mại SMC bị HOSE nhắc nhở vì chậm công bố thông tin: Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có động thái nhắc nhở việc chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT thông qua hợp đồng, giao dịch với bên liên quan tại Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC). Cụ thể, ngày 24/3, HoSE nhận được công văn số 94/2023/CV-SMC ký ngày 24/3 của SMC công bố thông tin bổ sung Nghị quyết HĐQT số 75/2022/NQ-HĐQT ngày 2/1/2022 thông qua chủ trương ký các hợp đồng nguyên tắc, mua bán, dịch vụ giữa các bên liên quan của CTCP Đầu tư Thương mại SMC và công văn 93/2023/CV-SMC ngày 24/3/2023 giải trình về việc chậm công bố thông tin. Đáng chú ý, THI dự trình cổ đông thông qua việc huỷ tư cách công ty đại chúng, hủy bỏ niêm yết toàn bộ cổ phiếu THI tại HOSE, hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Thibidi muốn hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu THI: Công ty CP Thiết bị điện – Thibidi (HOSE: THI) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 17/4. Theo đó, năm 2023, Thibidi đặt mục tiêu đạt 1.201 tỷ đồng doanh thu thuần; 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 23%, 2% so với cùng kỳ. Về cổ tức, THI dự chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông tỷ lệ 15% bằng tiền (cao hơn 5% so với năm 2022), tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận về 1.500 đồng. Với hơn 48,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính THI sẽ chi hơn 73 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2023.
PVMachino thoái vốn khỏi Nippon Seiki với giá hơn 149 tỷ đồng: Công ty CP Máy - Thiết bị dầu khí (PVMachino, PVM) vừa công bố thông tin về việc thoái vốn tại Công ty TNHH Việt Nam Nippon Seiki với giá chuyển nhượng là hơn 149,4 tỷ đồng. Nội dung thông báo cho biết, PVM sẽ thoái vốn khỏi Công ty TNHH Việt Nam Nippon Seiki (VNS). Phần vốn chuyển nhượng là 10% vốn điều lệ của VNS, tương đương hơn 11,2 tỷ đồng tại thời điểm ký kết Điều lệ VNS. Mức giá chuyển nhượng là 10% giá trị tài sản thuần của VNS tại thời điểm 31/12/2022 nhân với 105%, tương đương 149,4 tỷ đồng. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Nippon Seiki. Thời gian chuyển nhượng trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn. Đơn vị tư vấn thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của PVM tại VNS là Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam với mức phí PVM phải trả là 48,1 triệu đồng.
Sao Mai dự kiến không chi trả cổ tức năm 2022: Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 công bố ngày 27/3 của Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM), tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp là 499,18 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ (quỹ đầu tư phát triển, dự phòng tài chính, khen thưởng và phúc lợi), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại là 489,18 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng, trước bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhằm đảm bảo ổn định hoạt động cho ASM trong việc phòng, chống suy thoái kinh tế, đồng thời tránh pha loãng cổ phiếu dưới hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, ASM dự kiến chưa thực hiện chi trả cổ tức năm 2022. Thay vào đó, với số lợi nhuận chưa phân phối còn lại trên, Sao Mai dự định dùng để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.