Phiên giao dịch nhày 8/3, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.049,18 điểm, tăng mạnh 11,34 điểm (+1,09%). Thanh khoản cũng tiếp tục được cải thiện trong phiên hôm nay khi có đến hơn 500 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 8 nghìn tỷ đồng. Sắc xanh vẫn chiếm được ưu thế trên bảng điện với 256 mã tăng điểm, trong khi đó số mã giảm điểm chỉ là 123, còn lại là 80 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.
VN30 cũng thể hiện được sự tích cực khi có mức tăng 13,43 điểm (+1,31%). Toàn nhóm có đến 27/30 mã tăng điểm. Nổi bật nhất trong số đó là PDR (+4,87%) và VPB (+4,31%). Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như MSN (+2,68%), VRE (+2,44%) hay BID (+2,35%). Ở chiều hướng ngược lại, MWG (-0,76%), PLX (-0,26%) và SAB (-0,21%) là những cổ phiếu duy nhất giảm điểm trong nhóm, tuy vậy mức giảm chỉ dưới 1% nên không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường.
Các hợp đồng tương lai đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 08/03/2023. Cụ thể, VN30F2303 (F2303) tăng 0,98%, đạt 1.038 điểm; VN30F2304 (F2304) tăng 0,91%, đạt 1.033,3 điểm; hợp đồng VN30F2306 (F2306) tăng 0,5%, đạt 1.029 điểm; hợp đồng VN30F2309 (F2309) tăng 0,37%, đạt 1.027,7 điểm. Chỉ số cơ sở VN30-Index kết phiên ở mức 1.040,59 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 08/03/2023, hợp đồng VN30F2303 giảm điểm ngay từ đầu phiên trước sức ép tâm lý từ diễn biến kém sắc của thị trường thế giới. Sau đó, VN30F2303 trở lại trạng thái giằng co trước khi đảo chiều phục hồi mạnh nhờ lực cầu bắt đáy sôi động.
Khối ngoại tiếp đà giao dịch tích cực phiên 8/3: Về giao dịch khối ngoại, khối ngoại có phiên giao dịch sôi động với sự đóng góp thỏa thuận khủng cổ phiếu IVS. Đồng thời, khối này tiếp tục mua ròng tích cực 260 tỷ đồng với tâm điểm gom cổ phiếu thép và chứng khoán. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 8/3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,47 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 260,98 tỷ đồng, tăng 52,44% về lượng và tăng 27,11% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 7/3 (mua ròng 205,32 tỷ đồng).
Cổ phiếu KLF chính thức bị đình chỉ giao dịch: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chiều 7/3 đã có quyết định về việc chuyển cổ phiếu KLF của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS sang diện đình chỉ giao dịch. Lý do được HNX đưa ra là vì tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Quyết định áp dụng điểm a khoản 1 điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Xuất nhập khẩu CFS được yêu cầu phải giải trình nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch công bố thông tin.
HAI tìm được đơn vị kiểm toán BCTC năm 2021: Ngày 08/03, Công ty CP Nông dược H.A.I (HOSE: HAI) thông báo đã ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY (chi nhánh TPHCM). Trước đó, việc không thể công bố thông tin (BCTT) BCTC kiểm toán năm 2021 và BCTC soát xét bán niên 2022 đã khiến cổ phiếu HAI rơi vào tình trạng bị đình chỉ giao dịch. Từ ngày 25/05/2022, cổ phiếu HAI bị hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021. Cổ phiếu HAI bị đình chỉ giao dịch từ ngày 09/09/2022 do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin (CBTT) sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, không công bố BCTC soát xét bán niên 2022.
Một cá nhân chi gần 17 tỷ đồng ngồi ghế cổ đông lớn: Ngày 3/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh đã mua thành công 1.315.789 cổ phiếu SP2 của Công ty CP Thủy điện Sử Pán 2 và chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty. Giao dịch trên đã giúp bà Tuyết Oanh nâng sở hữu tại Thủy điện Sử Pán 2 từ 0% lên 6,38%. Thống kê trong phiên giao dịch ngày 3/3, cổ phiếu SP2 đã thỏa thuận thành công đúng lượng cổ phiếu trên và không có giao dịch khớp lệnh, với tổng giá trị hơn 16,84 tỷ đồng. Như vậy, bà Tuyết Oanh đã chi 16,84 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Thủy điện Sử Pán 2. Thủy điện Sử Pán 2 được chấp nhận là công ty đại chúng từ năm 2009, hiện Công ty có vốn điều lệ hơn 207 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Dược phẩm Agimexpharm muốn gom cổ phiếu công ty: Ông Nguyễn Văn Kha, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Agimexpharm (UPCoM: AGP) đăng ký mua 300.000 cổ phiếu AGP từ ngày 9/3-7/4. Hiện ông Kha đang nắm giữ gần 2,17 triệu cổ phiếu AGP, tương ứng tỷ lệ 12,07%. Gần đây, cổ phiếu AGP đang trở thành tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Trong khi chỉ số chung giảm khá mạnh với những phiên giảm hơn 10 điểm, thậm chí gần 28 điểm trong ngày 22/2, thì cổ phiếu AGP đã có chuỗi tăng giá khá tốt từ mức 23.000 – 30.000 đồng/cp. Tính từ 21/2 đến 3/3, chỉ số VN-Index giảm hơn 5,3%, trong khi VGP tăng 20%, thậm chí có thời điểm tăng hơn 30%. Sau khi thử thách vùng giá 30.000 đồng/cp cổ phiếu AGP đã đảo chiều điều chỉnh khá mạnh trước khi bật hồi tăng 4,9% lên mức 25.700 đồng/cp (chốt phiên 8/3).
Taseco dự kiến mua 2,99 triệu cổ phiếu từ Taseco Đà Nẵng: Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) mới thông qua phương án mua cổ phần chào bán tại CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco Đà Nẵng. Cụ thể, Taseco dự kiến mua thêm 2,99 triệu cổ phiếu được phân bổ từ đợt phát hành 3 triệu cổ phiếu của công ty con là Taseco Đà Nẵng (Taseco nắm 99,9% vốn điều lệ). Giá mua là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành thêm là 2:3 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được mua thêm 3 cổ phiếu mới). Tổng giá trị Taseco Airs dự chi để mua số cổ phiếu trên là 29,97 tỷ đồng, lấy từ vốn kinh doanh và vốn huy động hợp pháp khác của Công ty. Sau khi mua xong số cổ phiếu trên, Taseco sẽ nắm giữ hơn 4,99 triệu cổ phiếu từ công ty con, tổng giá trị theo mệnh giá là 49,95 tỷ đồng.