Bất ngờ lớn phiên ATC, nhà đầu tư "trở tay không kịp"; ITA đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo; Địa ốc Him Lam trở thành cổ đông lớn của SGN;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 9/6/2023.
Bất ngờ lớn phiên ATC, nhà đầu tư "trở tay không kịp": Phiên giao dịch ngày 8/6 tưởng như khá "êm đềm" thì bất ngờ lớn đã xảy ra trong phiên ATC, lực bán gia tăng mạnh và lan rộng hơn.Đóng cửa, sàn HOSE có 139 mã tăng và 269 mã giảm, VN-Index giảm 8,22 điểm (-0,74%), xuống 1.101,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,32 tỷ đơn vị, giá trị 23.689 tỷ đồng, tăng hơn 30% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 113 triệu đơn vị, giá trị 2.677 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB vẫn là điểm sáng nhất trong phiên này, khi đóng góp hơn 3,5 điểm tích cực cho VN-Index khi tăng 3,1% lên 100.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh), vốn hóa thị trường vượt 473.200 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD. Trái lại, gây áp lực đến từ SSI -3,2% xuống 24.300 đồng, VIB -3,2% xuống 22.850 đồng, GVR -3% xuống 18.000 đồng, các mã VPB, NVL, TPB, TCB, STB, MWG giảm từ 2% đến 2,8%.
Khối ngoại giao dịch khá sôi động phiên 8/6: Bên cạnh thanh khoản thị trường sôi động, lập kỷ lục trong hơn 1 năm qua, khối ngoại cũng hoạt động tích cực nhưng vẫn bán ròng hơn 280 tỷ đồng trong phiên mất điểm ngày 8/6. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 8/6, nhà đầu tư nước ngoài đã quay ra bán ròng 8,23 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 280,51 tỷ đồng, tăng 41,17% về lượng và tăng 20,75% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 7/6 (bán ròng 232,3 tỷ đồng). Trong đó, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với giá trị đạt 66,72 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 1,2 triệu đơn vị. Trái lại, cổ phiếu VNM tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 211,27 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 3,2 triệu đơn vị.
ITA đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo: Ngày 07/06, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) đã gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) công văn báo cáo khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đề nghị đưa chứng khoán ITA ra khỏi diện cảnh báo. Công ty cho biết tính đến thời điểm hiện tại, ITA đã công bố thông tin và khắc phục hết nguyên nhân đưa chứng khoán ITA bị cảnh báo theo yêu cầu của HOSE. Việc tiếp tục kéo dài quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo đã gây thiệt hại nặng nề cho Công ty, cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước. ITA đề nghị HOSE ban hành quyết định đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo theo quy định. Trước đó, HOSE quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ ngày 06/09/2022 do vi phạm quy định công bố thông tin trên 4 lần trong vòng 1 năm.
Địa ốc Him Lam trở thành cổ đông lớn của SGN: Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa có báo cáo về giao dịch trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN). Trước đó, Him Lam Land không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của SGN. Như vậy, thông qua việc mua gần 2,56 triệu cổ phiếu trong phiên 01/06, chiếm tỷ lệ 7,6% vốn, Him Lam Land chính thức trở thành cổ đông lớn của SGN. Đáng chú ý, phiên 01/06, cổ phiếu SGN không ghi nhận bất kỳ giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận nào. Như vậy, khả năng cao Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua giao dịch trên sàn.
Ban lãnh đạo Đô thị Sóc Trăng đua nhau gom cổ phiếu: Ông Lâm Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công trình Đô thị Sóc Trăng (UPCOM: USD) đăng ký mua 500.000 cổ phiếu USD theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, dự kiến từ ngày 12/6 đến ngày 11/7/2023. Hiện ông Hữu Tùng đang là một trong những nhà đầu tư lớn của Công ty khi nắm giữ 619.065 cổ phiếu USD, tỷ lệ 11,05%. Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Đức Khôi, Ủy viên HĐQT Công ty và ông Nguyễn Đức Hiển, Tổng giám đốc Công ty lần lượt đăng ký mua 31.000 cổ phiếu và 34.000 cổ phiếu USD. Hiện ông Đức Khôi đang nắm giữ 5.200 cổ phiếu, tỷ lệ 0,09% và ông Đức Hiển nắm giữ 6.800 cổ phiếu, tỷ lệ 0,12%.
Giấy Việt Trì trả cổ tức 36% bằng tiền mặt: Công ty CP Giấy Việt Trì (GVT – UPCoM) thông báo, ngày 30/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 36%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.600 đồng. Như vậy, với hơn 11,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Giấy Việt Trì sẽ phải chi khoảng 41,76 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/6, thời gian thanh toán cổ tức từ ngày 25/7/2023. Mức chia cổ tức này vượt so với kế hoạch đã đề ra trước đó là 30%, nhưng vẫn thấp hơn con số cổ tức năm 2020 là 39%, xuất phát từ kết quả kinh doanh năm 2022 vượt xa các mục tiêu.